Hiện nay, ung thư vú là một trong những loại ung thư phổ biến nhất và là nỗi ám ảnh đối với chị em phụ nữ. Tuy nhiên, đây là bệnh hoàn toàn có thể dự phòng và điều trị khỏi nếu được phát hiện kịp thời.

Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất ở nữ giới. Hàng năm, trên thế giới có khoảng 2 triệu người được chẩn đoán mắc ung thư vú và khoảng người 600.000 người tử vong vì căn bệnh này.

Bệnh ung thư vú sinh ra do các đột biến gen làm tế bào sinh sản không kiểm soát được. Có nhiều lý do mà cơ thể có các đột biến gen, trong đó khoảng 5-7% trường hợp có nguyên nhân di truyền, còn lại hơn 90% trường hợp chịu tác động của các yếu tố môi trường và lối sống.

Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, với các bệnh ung thư nếu được phát hiện sớm thì sẽ điều trị khỏi, tỷ lệ sống trên 5 năm tương đối cao, đặc biệt là với bệnh ung thư vú.

Cách sờ, nắn ngực để phát hiện bất thường ở vú, dự phòng nguy cơ mắc ung thư vú - 1

Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, bệnh nhân mắc ung thư vú có cơ hội được điều trị khỏi hoàn toàn. Ảnh: TL

Bệnh nhân ung thư vú nếu phát hiện sớm ở giai đoạn I thì tỷ lệ sống trên 5 năm là 100%. Trên thực tế, các bác sĩ Bệnh viện K đã chữa trị cho nhiều trường hợp ung thư vú giai đoạn 1 - 2 khỏi bệnh trên 5 năm, sống 10 năm, 15 năm, thậm chí có những trường hợp lập gia đình, sinh con. Trong khi đó, nếu phát hiện muộn đã di căn, việc điều trị sẽ không mang lại hiệu quả cao.

Hiện trong cộng đồng, nhiều phụ nữ vẫn chưa có kiến thức về biện pháp tự khám vú tại nhà và ý thức được tầm quan trọng của việc đi khám sàng ung thư vú định kỳ nên phần lớn bệnh nhân ung thư vú đến khám và điều trị đã ở giai đoạn muộn, khả năng chữa khỏi thấp, chi phí điều trị tốn kém và kéo dài.

Theo đó, các dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư vú bao gồm: Đau hoặc đỏ vú, tụt núm vú, da vùng vú bị lồi lõm, co kéo bất thường; chảy dịch vú, thay đổi màu sắc trên da của vú, một bên vú dày chắc hơn bên kia; có hạch nách...

Ung thư vú là một bệnh lý có quá trình hình thành bệnh kéo dài, do đó có một khoảng thời gian mặc dù khối u đã hình thành nhưng có thể vẫn không có triệu chứng. Chị em phụ nữ được khuyến cáo nên tự khám vú của mình thường xuyên, để biết được trạng thái bình thường của vú và kịp thời phát hiện những thay đổi tại vú khi nó mới xuất hiện

Các bước tự kiểm tra vú tại nhà:

Cách sờ, nắn ngực để phát hiện bất thường ở vú, dự phòng nguy cơ mắc ung thư vú - 2

Các bước tự khám vú tại nhà

Bước 1: Ngồi hoặc đứng trước gương, hai tay xuôi theo người. Quan sát kỹ xem có sự thay đổi về hình dạng và kích thước vú không?

Bước 2: Đưa 2 tay lên đầu, nhìn kỹ vú từ các hướng khác nhau, tìm sự thay đổi so với lần trước. Kiểm tra núm vú xem có dịch tiết hay chảy máu không?

Bước 3: Đưa tay phải lên đầu, dùng 3 ngón tay trỏ, giữa, áp út của tay còn lại để xoa nắn vú, bắt đầu từ trong quầng vú, vừa ấn nhẹ vừa di chuyển "bước theo nhau" lần ra ngoài theo đường xoắn ốc hoặc thẳng hàng từ trên xuống dưới. Làm tương tự với vú còn lại. 

Bước 4: Dùng ngón tay cái và ngón trỏ vê nhẹ núm vú, bóp nhẹ xem có dịch tiết lạ hay chảy máu không, lật đi lật lại kỹ quanh núm vú. 

Bước 5: Nằm ngửa trên giường, kê gối mỏng dưới vai trái và đưa bàn tay trái ra sau đầu. Dùng tay phải khám vú trái như các bước 3-4. 

Bước 6: Dùng phần mềm ở các đầu ngón tay khum lại miết tìm xem có u, hạch ở hõm nách hay không.

Bên cạnh việc tự khám vú tại nhà, các chị em nên duy trì thói quen tốt cho sức khỏe góp phần giảm nguy cơ mắc ung thư vú bằng cách: Kiểm soát cân nặng, vận động, tập luyện phù hợp. Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo, phụ nữ nên có ít nhất 150 phút luyện tập ở cường độ vừa phải mỗi tuần (lý tưởng nhất là trải đều mỗi ngày, không nên dồn hết cùng một ngày) để dự phòng nguy cơ mắc ung thư vú. 

Chuyên mục:

Nhận xét&Bình luận